5 mẹo nhỏ giúp lập trình viên đối mặt với nhà tuyển dụng

Bạn có thể cảm thấy rất tự tin với nền tảng kĩ năng và lý thuyết của mình khi nộp đơn vào một vị trí lập trình viên hay nhà phát triển tại một công ty, nhưng bạn sẽ sớm nhận ra rằng các kiến thức chuyên ngành luôn là không đủ để bạn vượt qua được một buổi phỏng vấn trực tiếp.

Theo ông Tigran Sloyan, CEO của Codefights, nhiều công ty thường tổ chức những buổi phỏng vấn nghiêm ngặt với đầy rẫy những câu hỏi hay bài tập code gây khó dễ cho các ứng viên. Những buổi phỏng vấn như thế này có thể khiến các ứng viên lúng túng, đặc biệt với những người chưa bao giờ trải qua một quy trình khắt khe tương tự.

Dưới đây là 5 mẹo nhỏ giúp bạn chuẩn bị cho lần phỏng vấn sắp tới, cho dù giám khảo có khó tính tới thế nào.

Luyện tập những câu hỏi phỏng vấn trong thực tế

Sơ yếu lí lịch của bạn đã được các giám khảo đọc trước khi vào phỏng vấn, thế nên họ đã biết được kĩ năng chuyên môn và những gì bạn đạt được. Chính vì vậy, trong một vài trường hợp, bạn có thể sẽ được hỏi những câu không liên quan đến nghề nghiệp, chỉ để họ có thêm cái nhìn về sự sáng tạo hay cách bạn giải quyết vấn đề của bạn.

Trên thực tế, nhiều câu hỏi phỏng vấn bạn phải đối mặt trước khi vào công ty thường khác xa với việc bạn sẽ phải làm nếu được nhận. Vậy nên, hãy nghiên cứu kĩ và tập trả lời chúng.

Người phỏng vấn sẽ quan sát cách bạn giao tiếp với mọi người và mức độ rõ ràng khi bạn giải thích các ý tưởng khác nhau. Một số nhà tuyển dụng thậm chí còn hỏi sở thích và thói quen, những yếu tố thể hiện bạn là người như thế nào, và liệu có phù hợp với công ty của họ hay không.

Cho dù kĩ năng của bạn có tuyệt đỉnh tới đâu, nếu không thể làm việc chung với đồng nghiệp thì cũng chẳng có nghĩa lý gì. Khả năng giao tiếp và làm việc với người khác cũng quan trọng không kém, thậm chí có thể quan trọng hơn so với chuyên môn của bạn.

Tự đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Hãy nhớ rằng đây cũng là cơ hội để bạn có thể phỏng vấn ngược lại công ty và hỏi những câu hỏi thể hiện rằng bạn quan tâm và tò mò với công ty hay công việc đang ứng tuyển. Trên thực tế, người phỏng vấn có thể hỏi bạn những câu hỏi không rõ ràng để kiểm tra xem bạn có thể đặt ra những câu hỏi đúng hay không.

Một vài kĩ sư phần mềm nghĩ rằng việc đặt câu hỏi với các giám khảo là biểu hiện của sự thiếu kĩ năng hay tư duy nghèo nàn, nhưng trên thực tế, nếu biết đặt đúng câu hỏi, bạn sẽ thu được kết quả ngược lại.


Việc đặt câu hỏi chính xác không khiến bạn trở nên ngu ngơ trong mắt nhà tuyển dụng. Ngược lại, những câu hỏi đúng sẽ giúp bạn thể hiện kiến thức chuyên sâu, tư duy phản biện và kĩ năng giải quyết vấn đề của mình. Chúng sẽ cho người khác thấy rằng bạn hoàn toàn nắm thế chủ động và có tư duy vượt qua vấn đề cần giải quyết.

Nghiên cứu trước buổi phỏng vấn

Một vài diễn đàn hay website có thể cung cấp cho bạn cái nhìn sơ bộ về quy trình phỏng vấn. Ngoài ra, rất có thể bạn sẽ còn bắt gặp một vài ứng viên chia sẻ những câu hỏi mà họ từng gặp ở những không gian online này. Đó là một cách tuyệt vời để làm quen với quy trình, nhận thức được bạn sẽ phải đối mặt với bao nhiều người, và phải thuyết phục bao nhiêu người nói “đồng ý” để được nhận.

Biết được quy trình tư duy đằng sau những buổi phỏng vấn sẽ gia tăng đáng kể cơ hội được nhận vào làm cho bạn. Nếu nghiên cứu trước, biết rõ và cảm thấy thoải mái trước một quản lí nhân sự hay nhà tuyển dụng, bạn hoàn toàn có thể hỏi phủ đầu những gì bản thân chờ đón ở phía trước. Nghiên cứu kĩ trước khi phỏng vấn là một phần quan trọng và nên được các lập trình viên quan tâm nhiều hơn.

Mở rộng mục tiêu

Thay vì chỉ tập trung vào một vài công ty và vị trí ưa thích, hãy nộp đơn vào càng nhiều công việc càng tốt. Ngay cả khi không thích, bạn cũng nên tìm hiểu nhiều công ty để biết chúng hoạt động khác nhau như thế nào. Việc mở rộng mục tiêu còn giúp bạn nhận thức được nhu cầu thực sự của bản thân khi ứng tuyển công ty mình lựa chọn. Ngoài ra, các buổi phỏng vấn cũng là những cơ hội tuyệt vời để luyện tập kỹ năng.

Và nếu như tất cả các buổi phỏng vấn đều thành công thì xin chúc mừng, bạn sẽ có thêm lợi thế khi thỏa thuận mức lương và chế độ đãi ngộ mà bạn mong muốn.


Hãy sẵn sàng để bị từ chối

Bạn không nên tới một buổi phỏng vấn và mang theo tư tưởng “mình sẽ không được tuyển vào vị trí này”, nhưng hãy luôn chấp nhận khả năng sẽ bị từ chối.

Hãy chuẩn bị tinh thần rằng không phải mọi thứ lúc nào cũng diễn ra theo đúng ý bạn. Vì vậy, đừng chán nản khi cảm thấy mình phỏng vấn khá tốt nhưng vẫn mất một vị trí công việc vào tay người khác.

Mặt khác, cũng đừng cư xử quá lạ lùng trong một buổi phỏng vấn chỉ để đạt được một công việc nào đó – hãy luôn tỏ ra chuyên nghiệp nhưng vẫn thể hiện cá tính của mình. Đừng quên cân nhắc kỹ xem bản thân có phù hợp với công ty đang ứng tuyển không trước khi đặt bút kí vào hợp đồng.

Bên cạnh những kĩ năng chuyên môn cần thiết, các ứng viên trước hết phải là chính mình, vì khi thuê bạn về làm việc, trước sau gì nhà tuyển dụng cũng sẽ nhận ra bạn là người như thế nào. Vậy nên, thà cởi mở để họ biết trước còn hơn khiến họ thất vọng về sau.

==========🎬 🎬 🎬==========
STANFORD – ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ
Hotline:
 0963 723 236 - 0866 586 366
Website: 
https://stanford.com.vn
Facebook: 
http://bit.ly/2FN0TYb
Youtube: 
http://bit.ly/2TkKT7I
Trụ sở chính: 
Toà nhà iTech, Số 20 ngõ 678 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội

Tags: học lập trình, học lập trình cho ngườ mới, học lập trình cùng chuyên gia