5 PHẨM CHẤT LÀM NÊN "SIÊU ANH HÙNG" CỦA THẾ GIỚI LẬP TRÌNH

Bạn muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa trong công việc lập trình vậy tại sao bạn không thử sức mình nhỉ? Stanford sẽ giúp bạn thực hiện điều đó. hãy cùng xem một số "siêu anh hùng" trong thế giới lập trình của chúng ta để học tập nhé.

Lập trình viên (LTV) hay nhà phát triển phần mềm đang là một nghề thời thượng với cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Nếu bạn nghĩ rằng để có thể trở thành một "siêu nhân" lập trình cần phải có một bộ óc thiên tài với chỉ số IQ chót vót thì có lẽ bạn đã nhầm, vì thực tế có nhiều phẩm chất thiên về cảm xúc (EQ) quyết định việc bạn có thành công với công việc tưởng chừng như rất khô khan này.

Qua cuộc trao đổi rất thú vị cùng anh Nguyễn Xuân Tài - CEO Socbay và anh Lê Quang Anh - CEO Aiti Aptech về bí quyết trở thành "siêu nhân" lập trình. Tất nhiên để trở thành một lập trình viên giỏi thì cần phải có nhiều đức tính, phẩm chất đặc biệt. Ở bài viết này, những chuyên gia sẽ chỉ đưa ra 5 đức tính cần thiết nhất để trở thành một super man kính cận.

Nguyễn Xuân Tài - CEO Naiscorp

Với doanh nghiệp: để thành công, lập trình viên phải là người "máu chiến":

Đứng trên góc độ nhà quản lý công ty công nghệ, nơi tập trung khá nhiều lập trình viên giỏi. Theo anh Nguyễn Xuân Tài - CEO Naiscorp (Socbay iMedia) thì để trở thành một "chiến binh" lập trình cần phải có những phẩm chất sau:

1. Trước nhất phải có tính tò mò vì tính tò mò là điểm đặc trưng của "con nhà" kỹ thuật.

2. Biết kiên trì, nhẫn nại, không được nản chí khi công việc đòi hỏi nhiều thời gian. Thực tế cho thấy ngay cả những người được xem là thiên tài như Mark Zuckerberg (người sáng lập mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook) hay Larry Page & Sergey Prin (2 nhà sáng lập công cụ tìm kiếm Google) đều làm việc chăm chỉ bất kể ngày đêm để cho ra sản phẩm tinh túy nhất của mình.



Mark Zuckerberg từng "code" thâu đêm suốt sáng để cho ra Facebook.

3. Luôn có tinh thần cầu tiến, luôn phải tìm cách cải tiến sản phẩm vì không có gì là tối ưu nhất, tốt nhất rồi cả, sẽ luôn có những thứ tốt hơn.

4. Phải có tính ganh đua và hiếu thắng, mình làm ra cái gì cũng phải hơn bạn, hơn những sản phẩm trước đó, phải luôn phấn đấu để trở thành số 1. Nếu gặp khó khăn không được nản chí, bỏ cuộc, ít nhất phải bằng được những thứ đã thấy hoặc những thứ bạn bè xung quanh làm được.

5. Phải đam mê và theo đuổi sự hoàn hảo của sản phẩm. Làm ra được sản phẩm là chưa đủ, phải làm chúng thật sự hoàn hảo, cả về chất lượng sản phẩm lẫn về kỹ năng công việc. Một lập trình viên giỏi là một người có thể tạo ra sản phẩm vừa nhanh vừa chính xác, vừa nhỏ vừa thông minh (tối ưu dung lượng, đẩy nhanh tốc độ).

Rèn luyện để có được những phẩm chất này là một điều không dễ dàng, tốn nhiều thời gian và sự cố gắng. Tuy nhiên thành quả đạt được sẽ vô cùng lớn lao và quý báu.



Lê Quang Anh - CEO Aiti Aptech trong chương trình Mobile Monday.

Với nhà đào tạo: lập trình viên cần chủ động, năng động & có tinh thần khởi nghiệp để thành công:

Dưới góc độ nhà quản lý giáo dục, đào tạo nên các thế hệ lập trình viên hàng đầu cho thị trường. Anh Lê Quang Anh - CEO Aiti Aptech đã có những chia sẽ rất tâm đắc về vấn đề này:

1. Phẩm chất đáng quý nhất của một lập trình viên là sự kiên trì. Đây là điều mà những bạn trẻ ở nước ta thiếu nhiều nhất, thậm chí các bạn rất vội vàng, vừa ra trường đã đòi hỏi mức lương cao, đãi ngộ tốt thay vì cố gắng làm việc nâng cao trình độ và kinh nghiệm lập trình.

Ở nước ta chưa nhiều lập trình viên có kinh nghiệm từ 15 năm trở lên, trong khi không khó để tìm một người tương tự ở nước ngoài. Chúng ta phải có những lập trình viên  có thời gian tích lũy như vậy mới mong có những chuyên gia hàng đầu có ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn với thế giới.

2. Ham học hỏi có lẽ là phẩm chất thứ 2 mà lập trình viên Việt Nam cần có. Phải hiểu rằng mặt bằng LTV của chúng ta chưa thể so sánh với Trung Quốc hay Ấn Độ được. Và về độ khó lại càng khó so sánh với Hungary và Ireland. LTV cần đầu tư thời gian, công sức để học tập và rèn luyện kỹ năng lập trình cũng như kiến thức về IT để bắt kịp với các LTV tại những quốc gia này thì mới hy vọng đưa Việt Nam đứng trong hàng ngũ những nước có chất lượng nhân lực công nghệ thông tin hàng đầu thế giới.

3. Tinh thần làm việc nhóm (team-work), vì có lẽ không ở ngành nào mà teamwork lại quan trọng như ngành IT. Một dự án cần cả những người có khả năng đột phá, sáng tạo lẫn người người kiên trì, thực thi những dòng lệnh, công đoạn dù có thể nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng với dự án. Vì vậy sự phối hợp với nhau ăn ý là rất cần thiết.

 

4. Tinh thần cầu tiến và không ngừng cập nhật kiến thức mới. Công nghệ thay đổi rất nhanh chóng, nhiều LTV quá an phận thủ thường, không có nhiều sự sáng tạo hay năng động. Điều này cũng giống như vài ba bác nông dân cầm điện thoại di động, mà điều này không thay đổi được bộ mặt nông thôn Việt Nam. Các bạn trẻ, LTV cần nhiệt huyết và năng động hơn. Đặc biệt có tinh thần như các Startup ở Silicon Valley thì càng tốt.

5. Tinh thần khởi nghiệp, có khát vọng thay đổi, có mong muốn làm cho thế giới, cộng đồng, xã hội tốt lên. Hoặc đơn giản hơn là khát vọng làm giàu cũng đã là rất đáng quý.

Kết

Dù tiêu chí đánh giá phẩm chất tạo nên sự thành công của một LTV của mỗi chuyên gia đứng trên góc độ doanh nghiệp sử dụng lao động & đơn vị đào tạo có những điểm khác nhau. Nhưng nhìn chung sự cần cù, chịu khó tìm tòi học hỏi, tinh thần cầu tiến và khát khao khởi nghiệp là những bí quyết để trở thành "siêu sao" trong lĩnh vực này.

Hy vọng với những chia sẽ quý báu của những chuyên gia, các bạn trẻ đặc biệt là các lập trỉnh viên sẽ trang bị cho mình những phẩm chất, kỹ năng cần thiết để trở thành một "siêu nhân" lập trình. Rồi đây sẽ không quá bất ngờ khi những sản phẩm công nghệ của Việt Nam sẽ được cả thế giới biết đến.

Tags: