Windows 10 sẽ giúp Microsoft vực dậy mảng di động?

Microsoft đang thực sự có những bước tiến để tạo ra một hệ điều hành "toàn diện" - ước mơ của các công ty công nghệ.

Microsoft từ trước đến nay luôn miệng khoe rằng Windows 10 sẽ hoạt động được trên mọi loại thiết bị. Đây là chiến lược rất được xem trọng, nhưng cuối cùng hãng đã đạt được tất cả, ngoại trừ áp dụng vào mảng điện thoại.

Có lẽ nhận thấy được nhiều thách đố đang ở phía trước, hãng sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới này hồi trung tuần tháng 6/2015 đã tuyên bố sẽ thay đổi toàn diện cấp điều hành của họ. Trong đó, thay đổi đáng kể nhất là sự ra đi của Stephen Elop và bộ phận kinh doanh thiết bị di động sẽ được hợp nhất vào bộ phận hệ điều hành do Phó Chủ tịch Terry Myerson quản lý.

Trong một email gửi cho nhân viên, CEO Satya Nadella của Microsoft cho biết hãng đang cân đối lại nỗ lực và khả năng kỹ thuật của mình để thực hiện những gì đã hứa về chiến lược, đặc biệt là thực hiện 3 tham vọng cốt lõi. Thay đổi này sẽ giúp Microsoft cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn mà khách hàng của họ sẽ yêu thích hơn.

Cuộc cải tổ này cho thấy Microsoft sẽ gặp nguy cơ nếu không gia tăng được sự hiện diện trong mảng di động. Khi hãng đưa ra ý tưởng áp dụng hệ điều hành Windows 10 vào càng nhiều loại thiết bị càng tốt và giúp các thiết bị này hoạt động cùng với nhau, điều quan trọng là phải thiết lập một bàn đạp tốt hơn trong lĩnh vực di động. Nếu không có smartphone, mà đối với nhiều người đó là thiết bị quan trọng nhất trong đời sống của họ, thì ý tưởng trải nghiệm Windows xuyên suốt các nền tảng/thiết bị sẽ mất hiệu quả.

Theo nhà phân tích Frank Gillett của hãng nghiên cứu Forrester, cuộc cải tổ của Microsoft cho thấy hãng này quyết định tham gia vào việc thay đổi quan niệm di động và các nỗ lực di động của họ sẽ hưởng lợi từ việc căn chỉnh kỹ thuật cho gần hơn với Windows.

Đối với nhiều người, ý tưởng một mẫu điện thoại Windows vẫn còn xa lạ. Smartphone hoạt động trên hệ điều hành Windows Phone của Microsoft (sẽ được mang thương hiệu mới là Windows 10 Mobile) hiện chỉ chiếm 2,5% thị trường toàn cầu trong quý I/2015, một tỷ lệ thấp hơn so với một năm trước đây theo hãng Gartner. Trong khi đó, điện thoại Android đã chiếm gần 80% thị trường và iPhone hiện giữ thị phần khoảng 18%.

Nhiệm vụ này bây giờ tùy thuộc vào Terry Myerson, người sẽ lãnh đạo bộ phận mới được thành lập Windows and Devices Group và sẽ tập trung vào việc “cho phép trải nghiệm điện toán cá nhân nhiều hơn nhờ vào hệ sinh thái Windows”.

Đối với Stephen Elop, lần ra đi này đánh dấu hồi kết của nỗ lực thuyết phục người tiêu dùng đến với Windows Phone. Elop trước đây từng bỏ Microsoft để gia nhập Nokia và sau đó đã trở về sau khi hãng phần mềm khổng lồ này mua lại bộ phận kinh doanh thiết bị của Nokia hồi năm 2014.

Tuy nhiên, bộ phận của Elop chỉ tung ra được một ít thiết bị tầm thấp giá rẻ dưới thương hiệu Microsoft và ông không có tên trong bài thuyết trình chủ đạo của hội nghị nhà phát triển Build hồi tháng 4/2015.

Một trong những thách thức mà Elop đã gặp – và cả Microsoft vẫn còn phải đương đầu – là thiếu những ứng dụng thông dụng khi so sánh với hai nền tảng thông dụng hiện nay là Android của Google và iOS của Apple. Dù Windows App Store đã có một số game mới như Fallout Shelter hay các ứng dụng mạng xã hội như Snapchat, nhưng nhìn chung “cửa hàng Windows” này vẫn còn thiếu nhiều ứng dụng phổ biến khác mà người dùng cần đến.

Microsoft trước giờ đã quảng cáo rằng nền tảng chung nằm sau Windows 10, được dùng để chạy trên PC, tablet và smartphone, sẽ cho phép các nhà phát triển viết ứng dụng cho một loại thiết bị và dễ dàng dùng trên các loại thiết bị khác. Hy vọng là sẽ có thêm các ứng dụng cho tất cả người dùng Windows.

Đây là điều mà trước đây Microsoft từng nói đến, ngay cả khi Windows 8 được tung ra với ý tưởng giao diện người dùng kiểu các ô vuông xếp ngói (tile-based) dùng chung cho PC, điện thoại và máy tính bảng. Nhưng lúc đó vẫn còn có nhiều khác biệt cơ bản giữa nội dung của thiết bị di động và các nền tảng PC. Đây là điều mà Microsoft đã nghiên cứu và đưa vào Windows 10.

Động thái của Microsoft nhằm thành lập một bộ phận mới do Terry Myerson lãnh đạo cũng cho thấy sự quan trọng của việc kết hợp các bộ phận kinh doanh mà trước giờ vẫn hầu như hoạt động riêng lẻ. Theo Chris Hazelton, nhà phân tích của hãng 451 Research, khi nói về hợp nhất giữa phần mềm và thiết bị thì cần phải hợp nhất ở mức độ nhân viên. Đây là cách hợp nhất đầy đủ mà Microsoft mong muốn.

Tất cả cải tiến và hợp nhất phần mềm sẽ không thể làm người tiêu dùng thích thú Windows 10 mà không có một sản phẩm hàng đầu hấp dẫn theo sau. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Myerson trong cương vị mới của ông là phải đảm bảo rằng Microsoft sẽ có một hay nhiều sản phẩm hấp dẫn để tung ra khi nền tảng Windows Mobile 10 bắt đầu được phát hành.

Nền tảng Windows Phone trước đây có được thị phần “èo uột” chỉ nhờ vào các mẫu smartphone vừa vặn túi tiền trong các thị trường mới nổi. Ở Mỹ, nền tảng này cũng chỉ chiếm một thị phần nhỏ với các mẫu thiết bị có giá hấp dẫn chẳng hạn như mẫu smartphone Lumia 640 XL.

Tuy nhiên, những thiết bị này có thể bị lấn áp bởi các sản phẩm nổi tiếng hơn hay đắt tiền hơn, chẳng hạn như iPhone 6 của Apple hay Galaxy S6 của Samsung, vốn đang có được lợi thế do chính sách quảng cáo rầm rộ hay được hỗ trợ giá bán lẻ bởi các nhà mạng.

Đưa đến tay người tiêu dùng một thiết bị cao cấp rất quan trọng đối với việc phô trương bộ mặt mới của Microsoft, một trong số đó là phần mềm và trải nghiệm trên nhiều thiết bị khác nhau.

Microsoft đã thực hiện được rất nhiều cải tiến phần mềm với mẫu máy tính lai Surface Pro 3. Chắc chắn là hãng sẽ xúc tiến mạnh mẽ các thiết bị chạy Windows 10 khi được tung ra.

Song, mắt xích còn thiếu vẫn là smartphone. Nếu suôn sẻ, có thể trong tương lai gần nhiều người dùng sẽ cảm thấy giá trị khi sở hữu một mẫu smartphone Windows.

Như vậy, Microsoft đang thực sự có những bước tiến để tạo ra một hệ điều hành "toàn diện" - ước mơ của các công ty công nghệ. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng của Microsoft mà còn cả giới lập trình viên.

Bạn có thể tìm hiểu thông tin về lập trình viên, về khóa học giúp bạn trở thành những lập trình viên và giúp bạn gia nhập vào đội ngũ nhân lực của Microsoft tại stanford.com.vn

Sưu tầm

Nhật Lệ ( Stanford - Nâng tầm tri thức )

Tags: