Tài không đợi tuổi, Tanmay Bakshi 14 tuổi đã là thiên tài 7 tuổi học lập trình, 8 tuổi học viết ứng dụng, 14 tuổi cậu bé thiên tài này đã là chuyên gia AI cho “ông lớn công nghệ” IBM Tanmay Bakshi 14 tuổi hiện là lập trình viên máy tính, chuyên gia nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và là một kỹ thuật viên siêu hạng. Cậu đã phát triển được nhiều ứng dụng, phát hành một cuốn sách, từng là diễn giả của chương trình TED Talk và phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh IBM Watson trên khắp thế giới bao gồm Phần Lan, New Zealand, Đan Mạch và Úc. Lần đầu tiên Tammay Bakshi được IBM chú ý là khi lên 11 tuổi, tuy nhiên tài năng vượt trội của cậu trong lĩnh vực công nghệ cao đã bắt đầu từ rất sớm trước đó. Trong khi các những đứa trẻ khác đang mải mê với trò chơi xếp hình Legos thì Bakshi 5 tuổi đang học cách mã hóa chúng. Cha của cậu, Puneet Bakshi là một lập trình viên máy tính lâu năm. Trong lúc làm việc, đứa con trai của ông đã bị mê hoặc bởi những mã số chạy trên màn hình. Nhận thấy điều đó, ông đã dạy cậu cách lập trình và từ đó, Bakshi bắt đầu tự sử dụng Internet và đọc sách về lập trình máy tính. Lên 7 tuổi, Bakshi lập một kênh YouTube. Tại đây, cậu đã hướng dẫn về viết mã và phát triển web. Với mỗi lần tải video lên, cậu nhận được hàng ngàn câu hỏi từ mọi người trên thế giới. Hiện tại, kênh YouTube của cậu có hơn 200.000 người đăng ký. Lên 8 tuổi, cậu tự học cách phát triển các ứng dụng iOS. Lên 9, cậu đã tạo được ứng dụng đầu tiên của riêng mình và được chấp nhận ở cửa hàng Apple. Trong khi tải một video lên YouTube, cậu đã tình cờ phát hiện được tài liệu về phần mềm Watson của IBM và cách nó trả lời câu hỏi của chương trình đố vui Jeopardy. Đây là lần đầu tiên cậu nghe về trí thông minh nhân tạo và ngay lập tức cậu gắn bó với IBM Watson và AI. Trong vòng một tuần, cậu đã xây dựng ứng dụng Watson đầu tiên của mình với cái tên là "Ask Tanmay". Ứng dụng trả lời lại các câu hỏi bằng cách cân nhắc câu trả lời tốt nhất có thể trước khi đưa ra phản hồi. Người khổng lồ công nghệ tạo nhiều cơ hội cho cậu tham dự các hội nghị mà công ty tổ chức. Tại hội nghị Interconnect, Bakshi là người phát biểu quan trọng trước 25.000 người, tại Hội nghị Nhà phát triển IBM ở Bengal, Ấn Độ cậu đã phát biểu trước 10.000 khán giả. Bakshi không làm việc cho IBM mà chỉ hợp tác với công ty kỹ thuật để thực hiện các dự án. Do đó, chuyên gia AI 14 tuổi có thể quản lý được một số giám đốc điều hành quan trọng tại công ty với năng lực trí tuệ của mình. Đáng chú ý, cố vấn hiện tại của cậu chính là Rob High, giám đốc công nghệ của IBM Watson. Cả hai đã cùng nhau tổ chức các phiên họp của Facebook Live cũng như các buổi nói chuyện. Phiên họp gần đây nhất của họ đã được tổ chức tại AI World ở Boston, nơi thảo luận về cách sử dụng AI để phân tích phương tiện truyền thông xã hội. Chàng thiếu niên chia sẻ: "Tôi thực sự đam mê AI, và tôi rất vui khi chia sẻ kiến thức của tôi với cộng đồng". Sự hiểu biết của cậu về AI đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Sau khi phát biểu tại Hội nghị Kiến thức 2017 ở Dubai, cậu được nhận Giải thưởng Đại học Tri thức từ Quỹ Mohammed bin Rashid Al Maktoum của Dubai. Bakshi còn là nhà vô địch đồng thời là cố vấn danh dự của dịch vụ điện toán đám mây cho IBM. Nhưng Bakshi không chỉ dành những ngày của mình tràn ngập các hội nghị và tích lũy các lời khen. Thiếu niên cũng đang làm việc để cải thiện cuộc sống của người khác bởi với cậu, chăm sóc sức khỏe là một lĩnh vực thực sự rất cần sự phát triển của AI. Sản phẩm mới nhất của cậu liên quan rất nhiều đến mạng thần kinh, một hệ thống máy tính mô hình hóa bộ não con người và hệ thống thần kinh. Con người dễ bị mắc lỗi hơn máy móc ngay cả trong ngành y tế. Với "một tấn dữ liệu", nếu các bác sĩ thực hiện và sai sót, thì sẽ khiến một loạt các quy trình y tế bị chậm theo. Do đó, họ cũng có thể tận dụng những lợi ích của công nghệ tiên tiến và coi AI như một công cụ thực sự mạnh mẽ. Hầu như mỗi tuần đều có những thông tin mới về những chủ đề như ung thư hoặc chế tạo dược phẩm. Ngay cả khi các chuyên gia có thể đọc một trang một phút, họ vẫn không thể hoàn thành đọc tất cả thông tin đang được xuất bản. Sau đó, cần phải có thời gian để hiểu được thông tin đó và đưa nó vào chẩn đoán và điều trị. Trong khi đó, AI có thể nhìn vào hàng triệu tài liệu trong vòng một phần của giây, hiểu nó và mô tả nó theo cách mà chúng ta có thể hiểu được. Bakshi nói: "Đây thực sự là một công cụ chuyên nghiệp hữu ích cho các bác sĩ có thể tăng cường và cứu sống rất nhiều người vì thực tế nghề y vẫn phụ thuộc vào dữ liệu". Khả năng vô tận của AI và chăm sóc sức khỏe là một trong nhiều lý do tại sao Bakshi tự thấy mình nên tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực này trong tương lai gần. "Không nghi ngờ gì nữa, đó là điều tôi rất say mê," thiếu niên nói. Tuy nhiên, cậu thừa nhận rằng việc hiểu và thực hiện lĩnh vực này có thể rất phức tạp. Bakshi chia sẻ: "Xây dựng mọi dự án là một cuộc hành trình. Nhưng tôi thực sự muốn kiên trì vượt qua những vấn đề này bởi vì tôi biết rằng kết quả cuối cùng thực sự tuyệt vời và mỗi bước đều là một quá trình học tập". Để tiếp tục quá trình học tập này, Bakshi lên kế hoạch học đại học nhưng không đưa ra bất kỳ quyết định cuối cùng về ngôi trường mà cậu chọn lựa. Tuy nhiên, các đại học danh giá như MIT, Stanford và Harvard đã được cậu "để mắt" vì những công trình nghiên cứu của họ là những chủ đề mà cậu cảm thấy rất thú vị. Về công việc, cậu đang cân nhắc tham gia vào các đội nghiên cứu và phát triển của các "ông lớn" như IBM, Google, Microsoft và Apple. Tuy nhiên cậu cũng có dự định thành lập công ty riêng để tập trung nghiên cứu, phát triển và thực hiện AI theo cách riêng của mình. Cuốn sách đầu tiên của cậu có nhan đề Hello Swift! - Ứng dụng iOS cho trẻ em và những người mới mới bắt đầu. Hiện tại, cậu đang viết cuốn sách thứ hai có nội dung về Watson. Thiên tài 14 tuổi cho rằng thành công nhanh chóng của mình có ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ, người đã nuôi dưỡng các nghiên cứu của cậu cũng như luôn tự hào về những gì con trai đã làm. Cậu nói: "Họ bên cạnh tôi và tiếp thêm cho tôi động lực ngay khi tôi cần họ nhất. Nếu không có được sự ủng hộ từ gia đình, có lẽ tôi đã không theo đuổi ước mơ mãnh liệt đến vậy". Theo Trí thức trẻ/CNBC Tags: học lập trình