Tự học làm code không khó Học gì cũng có nhiều phương pháp và mỗi người có một cách riêng để học. Bài viết dưới đây là kinh nghiệm của người đi trước gợi mở cho các bạn muốn học và nắm bắt được cách viết code. Đừng copy và Paste code Đây có lẽ là lời khuyên được nhiều người nói nhất và tôi cũng thấy rất đúng. Ban đầu khi mới làm quen với một ngôn ngữ lập trình nhìn mớ code như mớ bòng bong chấm phẩy tè le hết. Ngồi gõ lại thì lâu biết bao nhiêu, copy và paste cho nhanh. Nhưng chỉ bằng cách gõ lại bạn mới nhớ code hơn, nếu có gõ sai thì có cơ hội quay lại và chỉnh sửa lỗi của mình. Tuy video nào tôi cũng có source code để bạn tham khảo, nhưng bạn chỉ lấy đó làm mẫu thôi còn bạn vẫn phải tự gõ lại những gì bạn thấy trong video. Vừa xem vừa làm Bạn đừng có mở video lên, pha ly cà phê rồi ngồi vuốt râu khen “phải! phải!”. Cách đó tôi thấy không hiểu quả cho lắm. Trước đây tôi cũng từng ngồi khoanh tay gật gù khen có lý. Nhưng khi tắt video đi thì mình lại mơ hồ không rõ lắm. Chính vì thế bạn mở video một bên và cửa sổ code một bên. Xem đến đâu gõ đến đó thì hiệu quả hơn rất nhiều. Tự làm sau khi xem Đây có lẽ là cách tôi thấy hiệu quả nhất. Sau khi bạn xem video rồi, làm theo rồi, hiểu cách rồi. Hãy tắt video đi và tự làm lại từ đầu theo cách hiểu của mình. Sau đó tự sửa lỗi, tìm lỗi sai, khắc phục .v.v. nếu bế tắc thì mới xem lại video. Nếu bạn đã đào sâu suy nghĩ mà vẫn chưa ra cách, đến khi xem lại bạn sẽ nhớ lâu hơn rất nhiều. Code, code nữa, code mãi Tôi không thể nhấn mạnh điểm này nhiều hơn nữa. Cách học code nhanh nhất là cứ bỏ mấy cuốn sách dầy cộm xuống. Mở trình soạn code lên và code. Sai thì sửa, quên thì xem lại, có lỗi tìm cách khắc phục, đào sâu suy nghĩ, google, đọc lại lý thuyết … nói chung tôi thấy cách hay nhất vẫn là tự tìm cách giải quyết trước khi hỏi. Bởi vì học lập trình là môn học cần tư duy độc lập và tìm tòi sáng tạo. Rất nhiều người khi mới bắt đầu gặp vấn đề hơi khó là phải hỏi đầu tiên mà không tự khám phá. Nếu cứ mãi hỏi như vậy bạn sẽ bị ì sức sáng tạo và tư duy không độc lập nữa. Tự thêm thử thách Đây là cách tôi rất hay tự làm với mình. Ví dụ bạn xem một tutorial về cách gửi mail bằng PHP trên izwebz. Trong video tôi có hướng dẫn gửi mail nhưng không gửi file đính kèm. Bạn hãy cho đấy là bài tập về nhà của mình và tự tìm cách khắc phục. Ví dụ khi tôi đọc một bài về jQuery Slider chẳng hạn, nếu người ta chỉ có chuyển hình kiểu chạy qua, tôi sẽ tự tìm cách tạo cho nó fade qua, vòng lại .v.v.. bằng cách tự tạo ra thách thức cho mình bạn sẽ tiến bộ mau hơn. Học từ nhiều nguồn, nhiều tài liệu Học làm web không như học phổ thông, không như làm toán cứ ráp công thức vô là giải được bài. Làm web mỗi người một cách làm, mỗi sách có những điểm hay điểm dở khác nhau, mỗi thầy giáo có chỗ mạnh chỗ yếu và mỗi trang web cũng có những điểm ưu điểm khuyết. Do vậy bạn nên tập hợp nhiều nguồn sách, video, ebook, trang web, tutorials v.v.. rồi đúc kết, chắt lọc ra cách mà bạn cho là tối ưu nhất. Tôi đôi khi hay kết hợp nhiều nguồn với nhau và tìm ra cách nào mình thấy dung hòa được tất cả các mặt. Kết Luận Như đã nói trên đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân, bạn chỉ nên tham khảo và quan trọng hơn cả là tự tìm ra cách học phù hợp với bạn nhất. Nhưng nói ngắn gọn lại thì nếu đã xác định học lập trình, bạn phải tạo ra cho mình một thói quen tư duy độc lập. Chỉ hỏi khi thực sự hết cách, chỉ hỏi sau khi đã thử rất nhiều cách, chỉ hỏi khi đã suy nghĩ về vấn đề đó rất nhiều lần trong ngày và chỉ hỏi khi bạn thực sự không thể giải quyết được vấn đề. Mọi khó khăn khi tiếp cận với một ngôn ngữ lập trình mới hay cần sự tư vấn, định hướng theo ngôn ngữ lập trình nào, công nghệ nào, phương pháp học hiệu quả,…? Các bạn hãy liên hệ với Stanford qua số hotline: (04) 6275.2212 - 0936.172.315 - 0963.723.236 để được gọi lại tư vấn miễn phí. Stanford hân hạnh được đồng hành cùng bạn! Tags: stanford