Những mẫu TV ấn tượng nhất 2013 Không chỉ sở hữu màn hình lớn tới hàng trăm inch, kiểu dáng độc đáo như khung tranh, một vài mẫu TV trong năm 2013 còn lạ mắt với màn hình uốn cong hay siêu mỏng như giấy. Sự thương mại hóa của công nghệ màn hình OLED khiến làng TV trong năm nay đón nhận một số sản phẩm mang kiểu dáng độc đáo như bộ đôi EA9800 và EM9600 với màn hình uốn cong hay siêu mỏng. Trong khi đó, TV sử dụng công nghệ màn hình phổ biến LCD LED cũng tiếp tục được cải tiến về kích thước khi ngày càng có nhiều sản phẩm lên tới cả trăm inch, độ phân giải "khủng". Thị trường TV trong năm 2013 chững lại, nhưng vẫn chứng kiến những màn chạy đua về cả thiết kế lẫn công nghệ giữa các hãng TV lớn. LG OLED EA9800 Thay vì thiết kế phẳng như phần lớn TV đang có trên thị trường, LG OLED EA9800 lại sở hữu màn hình được bẻ cong theo chiều dọc, từ hai cạnh bên để mô phỏng thiết kế ở các rạp chiếu phim chuyên nghiệp, giúp mang lại hiệu quả trình diễn hình ảnh tốt hơn. Công nghệ OLED còn đem đến cho mẫu TV uốn cong của LG ngoại hình ấn tượng với độ mỏng chỉ còn 4,3 mm. Mặt lưng của sản phẩm cũng được chăm chút với lớp phủ carbon, chân đế thiết kế dạng pha lê với loa công nghệ trong suốt độc đáo. Ảnh thực tế LG OLED EA9800 có giá 250 triệu đồng dành cho phiên bản 55 inch. Samsung UHD S9 Trong khi hầu hết các mẫu TV của Samsung hiện nay đều hướng đến thiết kế thanh mảnh, siêu mỏng thì ngược lại, S9 lại có thiết kế khá đồ sộ với trọng lượng lên tới gần 100 kg và màn hình lớn, từ 85 cho tới 110 inch. Diện mạo của Samsung S9 là sự kết hợp giữa công nghệ và cả nghệ thuật với bề ngoài giống như một khung tranh khổng lồ, chân đế cho phép màn hình có thể lật xoay theo trục ngang. Mỗi sản phẩm cũng được chế tác từ hơn 2.000 chi tiết khác nhau và làm hoàn toàn thủ công. Điều này đã giúp đưa mẫu TV này vào danh sách những sản phẩm công nghệ xa xỉ với giá bán lên tới 1,3 tỷ đồng. Ảnh thực tế Sony 4K TV X9000A Ngoài màn hình 4K và công nghệ hình ảnh mới Triluminos cho chất lượng hiển thị sắc nét gấp 4 lần chuẩn Full HD thông thường, Sony X9000A còn sở hữu một ngoại hình bắt mắt với phong cách thiết kế tối giản mô phỏng những phiến đá thạch anh (Quartz Design). Màn hình khi tắt trở thành một mặt phẳng đen bóng như phiến đá với chân đế kim loại hình tròn độc đáo hệ thống điều khiển bằng cảm ứng. Loa trên mẫu TV 4K của Sony để lại những ấn tượng với thiết kế lộ thiên nằm dọc hai bên màn hình, thay vì giấu kín như thông thường. Nó sử dụng công nghệ loa nam châm lỏng nên cho kích thước mỏng nhưng vẫn đạt hiệu suất âm thanh mạnh mẽ nhưng cũng rất chi tiết. LG OLED EM9600 Dù không có màn hình cong như "người anh em" EA9800, nhưng EM9600 cũng đủ gây ấn tượng với thiết kế mỏng như giấy. Nhờ màn hình OLED, toàn bộ phần khung viền của màn hình dày chỉ 4 mm. Mặt phía sau màn hình cũng được phủ lớp bảo vệ làm từ sợi carbon cho độ bền cao. Và để tạo ra kiểu dáng thanh mảnh ấn tượng, khác với TV thông thường, LG cũng phải tách toàn bộ phần bảng mạch quan trọng của 55EA5700 và đưa vào một cụm kết nối rời với màn hình, bao gồm các cổng kết nối hình ảnh như HDMI, AV được đặt phía sau, hai bên cạnh là các phím cứng điều khiển TV và cổng USB. Công nghệ màn hình OLED với hiệu quả trình diễn hình ảnh xuất sắc cùng với thiết kế siêu mỏng là điều tạo sức hút với LG EM9600. Ảnh thực tế Bang & Olufsen BeoVision 11 Không phổ biến, nhưng Bang & Olufsen là cái tên đủ để gây ấn tượng với nhiều người về thiết kế mỗi khi nhắc đến các sản phẩm nghe nhìn của họ. BeoVision 11 là một trong những mẫu TV cao cấp thế hệ mới mà thương hiệu nổi tiếng từ Đan Mạch này trình làng trong năm nay, với giá bán lên hơn 350 triệu đồng cho phiên bản 55 inch. Điểm tạo sự hấp dẫn trên BeoVision 11 và những sản phẩm của B&O là việc sử dụng thiết kế độc đáo với chất liệu bên ngoại phần lớn là nhôm, tạo cảm giác sang trọng và cũng đầy chắc chắn cho sản phẩm. Toàn bộ TV có hình dáng vuông thay vì chữ nhật như truyền thống, với hệ thống loa đa kênh đặt bên dưới màn hình và có màng loa nhiều màu sắc để trang trí. BeoVision 11 cũng có thể treo tường với bản lề đặc biệt kiểu cửa sổ, hay đặt dưới đất với chân đế cho phép tự động điều chỉnh độ cao và tích hợp cả đầu đĩa. Ảnh thực tế Tuấn Anh Tags: stanford - học để làm việc, đào tạo lập trình, công nghệ