Ngôn ngữ lập trình Swift cất cánh Mới chỉ xuất hiện vào tháng 6/2014 nhưng ngôn ngữ lập trình Swift đến nay đã đứng thứ 22 ngôn ngữ lập trình thông dụng nhất trong top 100 của RedMonk. Nếu yêu cầu một người chuộng sản phẩm Apple liệt kê những công bố ấn tượng nhất trong năm 2014 là gì, có thể bạn sẽ nhận câu trả lời là Apple Watch và các dòng iPhone màn hình lớn. Còn nếu hỏi một nhà phát triển Apple, hầu như chắc chắn họ sẽ trả lời là Swift, là ngôn ngữ máy tính mà Apple giới thiệu tại Hội nghị các nhà phát triển Apple (WWDC) hồi năm ngoái. Các nhà phát triển tại hội nghị này vỗ tay tán dương Craig Federighi, là Phó chủ tịch mảng phần mềm của Apple, khi ông giới thiệu một loạt tính năng mới với những cái tên mới trong ngôn ngữ lập trình nói chung như type inference, closure và multiple name space… Mới chỉ xuất hiện vào tháng 6/2014 nhưng ngôn ngữ lập trình Swift đến nay đã đứng thứ 22 ngôn ngữ lập trình thông dụng nhất trong top 100 của RedMonk. Từ khi Swift xuất hiện hồi tháng 6 năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của ngôn ngữ này rất đáng ghi nhận. Theo báo cáo hồi tháng 1 đầu năm nay của RedMonk (công ty phân tích dữ liệu, chuyên xếp hạng ngôn ngữ lập trình), chỉ trong 7 tháng, Swift tăng lên vị trí thứ 22 trong danh sách 100 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất. Còn theo một khảo sát hồi tháng 2 của trang web Stack Overflow, có hơn 26.000 lập trình viên cho rằng Swift là ngôn ngữ lập trình được yêu thích nhất. Các trường đại học, cũng đã đưa ngôn ngữ này vào giáo trình và tạo những khoá học trực tuyến cũng như các trang web chuyên dạy Swift. Ray Wenderlich, nhà phát triển web hiện đang điều hành trang web đào tạo trực tuyến RayWenderlich.com, cho rằng ông lập tức chuyển sang ngôn ngữ mới này. Ông nói: "Mọi người như điên cuồng với Swift. Đó là thứ ngôn ngữ mà mọi người muốn học." Apple muốn hướng Swift thành ngôn ngữ phù hợp nhất để tạo ứng dụng cho thiết bị di động của họ. Hơn nữa, theo nhà phân tích công nghiệp Andreessen Evans, nếu so với Android, nhà phát triển ứng dụng cho Apple có thu nhập cao gấp 4 lần so với Android. Trước Swift, chọn lựa duy nhất của các nhà phát triển Apple chỉ là Objective-C, là ngôn ngữ lập trình có từ những năm 1980. Một thập kỷ sau, Objective-C mới được cộng đồng lập trình để mắt đến. Nhiều người cho rằng ngôn ngữ này cũ kỹ, xấu xí và lỗi thời. Nhưng cũng có những ngôn ngữ "nhiều tuổi" hơn vẫn được dùng nhiều. Khi được hỏi liệu Objective-C có khó viết không, nhà lập trình Peter Morelli, phó chủ tịch mảng lập trình cho dịch vụ "đi nhờ xe" Lyft cho rằng: "Tôi nghĩ ngôn ngữ lập trình giống như chiến tranh tôn giáo vậy. Nhiều người cảm thấy viết rất tốt nếu sử dụng một ngôn ngữ thân thuộc nào đó." Swift tỏ ra là ngôn ngữ rất cập nhật và theo đúng xu hướng lập trình kiểu mới. Một điểm cộng khác là ngôn ngữ này có khả năng diễn đạt rất tốt, nghĩa là nhà phát triển dễ dàng giải thích những gì họ viết theo mã nguồn. Các nhà phát triển cho rằng sử dụng Swift, họ có thể có cùng kết quả nhưng viết ít dòng mã hơn so với Objective-C. Sau khi dùng được 6 tháng, Lyft quyết định viết lại ứng dụng của họ thuần bằng Swift, giảm số lượng dòng mã lệnh gấp 5 lần, đồng thời cũng giảm thời gian ngồi viết hơn. Lyft sẽ tung ra ứng dụng nền Swift vào tháng 7 tới. Một công ty khác cũng sớm dùng Swift là nền tảng chia sẻ nội dung SlideShare (LinkedIn mua lại hồi năm 2012). Các nhà phát triển SlideShare sử dụng Swift để tạo một ứng dụng cho phép người dùng duyệt và chia sẻ các bài thuyết trình, video và infographics với nhau. Theo SlideShare, Swift khá tốt nhưng cũng có vài lỗi. Một trong số đó là: chương trình chuyển đổi mã nguồn Swift thành định dạng để máy tính đọc được sử dụng quá nhiều tài nguyên xử lý, như chạy với MacBook Pro 13 inch sẽ rất chật vật. Một ngôn ngữ mới xuất hiện gặp nhiều vấn đề kỹ thuật là yếu tố hiển nhiên. Apple sẽ tiếp tục chỉnh sửa Swift mặc dù sẽ có ít thay đổi nào to tát về sau. Dù vậy, thay đổi hiện thời của Swift có thể khiến cho ngôn ngữ này mất tính ổn định cần có; mã nguồn được viết ở phiên bản này sẽ phải chỉnh sửa lại chút ít nếu cập nhật lên phiên bản mới hơn. Nhà lập trình Colin Eberhardt ở Scott Logic cho rằng Apple cập nhật Swift thường xuyên đã làm hỏng mã nguồn của ông. Ông cho rằng tốt nhất là chờ đến khi Swift "trưởng thành". Có thể sự thành công của Swift sẽ tiễn Objective-C vào dĩ vãng, nhất là khi Apple quyết định không muốn hỗ trợ cùng lúc cả 2 ngôn ngữ. Đến nay, Apple nói cho các nhà phát triển biết rằng họ vẫn có thể tiếp tục lập trình với Objective-C nhưng có vẻ sớm muộn gì Apple cũng sẽ nói lời chia tay với ngôn ngữ truyền thống này. Sưu tầm Nhật Lệ ( Stanford - Nâng tầm tri thức ) Tags: stanford - học để làm việc, đào tạo lập trình, công nghệ