10 phần mềm nguồn mở tốt nhất cho người dùng PC

Những ứng dụng nguồn mở miễn phí dưới đây phù hợp cho hầu hết người dùng Linux thông thường. Đồng thời, chúng cũng có phiên bản cho các nền tảng khác...

Tìm kiếm những phần mềm mới là một việc khá dễ dàng đối với người dùng hệ điều hành Linux. Nền tảng máy tính này cung cấp nhiều ứng dụng mã nguồn mở mạnh mẽ, dễ dùng và đáp ứng cho tất cả mọi nhu cầu bạn cần. Chỉ cần một vài cú nhấp chuột trong trình quản lý gói phân phối ứng dụng của Linux là bạn sẽ tìm được các chương trình miễn phí. Đặc biệt, bạn có thể sử dụng ngay dễ dàng mà không cần phải trải qua quá trình cài đặt phức tạp như vẫn thường làm trong Windows.

1. Chromium

Hầu hết các gói ứng dụng Linux đều tích hợp Mozilla Firefox làm trình duyệt mặc định. Tuy nhiên, người dùng Linux vẫn có một lựa chọn khác là Chromium. Đây là phiên bản mã nguồn mở của trình duyệt Google Chrome và trang bị hầu hết các tính năng của Chrome, bao gồm cả tính năng đồng bộ hóa với tài khoản Google của bạn.

Chromium được đánh giá xử lý khá mượt mà với kiến trúc đa nhiệm, cho phép chạy đồng thời nhiều thẻ (tab) riêng biệt. Đặc biệt, nếu một trang web bị lỗi crash thì các thẻ khác trong trình duyệt Chromium vẫn không bị ảnh hưởng.

2. LibreOffice

LibreOffice là một phần của dự án OpenOffice.org và bộ phần mềm văn phòng này hiện đã được tích hợp vào trình quản lý gói ứng dụng mặc định của Linux. LibreOffice bao gồm 6 ứng dụng văn phòng Writer, Calc, Impress, Draw, Math và Base, hỗ trợ việc soạn thảo văn bản, làm việc với bảng tính, slide trình chiếu, quản lý cở sở dữ liệu và nhiều chức năng khác.

Bộ phần mềm này cũng có khả năng tương thích với các tài liệu Microsoft Office. Bạn còn có thể nhận được nhiều tài liệu miễn phí và sự trợ giúp từ cộng đồng người dùng rộng lớn của LibreOffice và cũng có thể tham gia cùng với nhóm phát triển này để phát triển ứng dụng.

3. Thunderbird

Mozilla Thunderbird là một chương trình quản lý email lý tưởng cho người dùng Linux thông thường. Đây được xem như là một giải pháp thay thế cho ứng dụng Outlook quen thuộc của Microsoft.

Phần mềm này cung cấp tính năng gửi nhận email cơ bản, lập lịch và lên kế hoạch các công việc cần làm cho người dùng văn phòng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đồng bộ lịch trong Mozilla Thunderbird với các dịch vụ trực tuyến như Google Calendar.

4. Pidgin

Pidgin là một ứng dụng chat đáng tin cậy và hoạt động tốt cho nền tảng Linux. Nó có thể kết nối với Google Talk (Hangouts), AIM, Yahoo Messenger, IRC và các dịch vụ chat khác, bao gồm bất kỳ dịch vụ nào có hỗ trợ chuẩn XMPP (Jabber) mở.

Vấn đề lớn nhất của Pidgin là không thể hoạt động với các mạng chat "đóng". Facebook sẽ đóng cổng XMPP của họ nên sắp tới Pidgin có thể không còn hỗ trợ chat Facebook nữa. Bên cạnh đó, Pidgin cũng không thể kết nối với mạng Skype đóng của Microsoft.

5. VLC

Máy tính cá nhân là thiết bị không chỉ để làm việc mà còn có chức năng phục vụ nhu cầu giải trí. Do đó, một trình phát đa phương tiện là ứng dụng không thể thiếu đối với người dùng. Linux dĩ nhiên có sẵn trình phát video đơn giản tích hợp và có thể phục vụ tốt nhu cầu xem phim. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cài thêm phần mềm VLC với nhiều tính năng hơn.

VLC có thể được cài đặt và chạy mà không đòi hỏi thêm bất kỳ bộ giải mã nào. Ngoài ra, VLC còn có đầy đủ những tính năng hữu ích mà bạn không thể tìm thấy trong các trình phát đa phương tiện khác.

6. Shotwell

Đây là phần mềm dùng để quản lý ảnh kỹ thuật số. Shotwell có thể tự động sao chép ảnh từ camera đang được kết nối vào máy tính và cho phép người dùng quản lý thư viện ảnh của họ. Phần mềm này cũng sở hữu một số công cụ hiệu chỉnh ảnh dễ dùng.

Sau khi đã chỉnh sửa ưng ý với những bức ảnh của mình, bạn có thể dùng Shotwell để xuất bản ảnh hay cả video lên các dịch vụ trực tuyến như Facebook, Flickr, Google+ hoặc YouTube. Shotwell được đánh giá là đơn giản nhưng cung cấp mọi thứ mà một người dùng phổ thông cần đến.

7. GIMP

Khác với phần mềm Shotwell với các công cụ hiệu chỉnh ảnh đơn giản, GIMP là một trình biên tập ảnh cao cấp hơn dành cho người dùng chuyên nghiệp.

Giao diện khá phức tạp nhưng dù sao GIMP cũng đã được cải tiến qua nhiều năm nay. Bên cạnh đó, GIMP còn cung cấp chế độ cửa sổ đơn để giảm sự phức tạp. Chỉ cần nhấn vào trình đơn Windows > Single-Window Mode để chuyển sang chế độ này.

8. Deluge

uTorrent hiện vẫn chưa có phiên bản cho Linux nhưng người dùng thích tải BitTorrent vẫn có nhiều chọn lựa thay thế. Deluge là một trong những trình tải torrent nguồn mở tốt nhất hiện nay cho người dùng Linux.

Ứng dụng này cung cấp giao diện đơn giản và một hệ thống plug-in mạnh mẽ, quen thuộc đối với nhiều người dùng uTorrent. Tuy nhiên, Deluge được cho là còn thiếu một vài tính năng cần thiết cho người dùng BitTorrent cao cấp.

9. VirtualBox

Bạn đang muốn chạy các phần mềm Windows trong môi trường Linux. VirtualBox là một giải pháp nguồn mở đáng tin cậy cho mục đích này. Đây là một chương trình máy ảo có thể chạy hệ điều hành Windows trong một cửa sổ Linux. Tuy vậy, người dùng vẫn cần đến đĩa cài đặt và mã bản quyền Windows khi thực hiện.

VirtualBox được đánh giá là có khá nhiều tính năng phong phú, hiệu năng cao, phù hợp cho cả người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp để chạy đa nền tảng trên máy tính. Việc chia sẻ thông tin giữa các hệ điều hành cũng rất dễ dàng nhờ vào khả năng chia sẻ nội dung của bộ nhớ đệm clipboard cũng như tính năng kéo thả tập tin vào máy ảo.

10. Clementine

Linux có rất nhiều trình phát nhạc tuyệt vời và Clementine là một trong số đó. Lấy cảm hứng từ phiên bản gốc của Amarok, Clementine được tích hợp những tính năng để nghe thư viện nhạc cục bộ trên máy tính của bạn lẫn các dịch vụ radio phát thanh trực tuyến và podcast.

Ứng dụng cũng có khả năng di chuyển tập tin qua lại giữa các thiết bị di động và để bàn, giúp cung cấp một trải nghiệm nghe nhạc mạnh mẽ và chuyên nghiệp hơn.

Sưu tầm

Nhật Lệ ( Stanford - Nâng tầm tri thức )

Tags: stanford - học để làm việc, đào tạo lập trình, công nghệ