Bài học vàng của đồng sáng lập Apple dành cho dân công nghệ

Vào tuần trước, cô bé 14 tuổi Sarina Khemchandani đã có cơ hội gặp mặt và trò chuyện với Steve Wozniak - đồng sáng lập hãng công nghệ Apple.

Lý do cho cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ này cũng rất thú vị. Sarina Khemchandani chính là người sáng lập trang web ReachAStudent, nhằm hỗ trợ các học sinh thuộc Orlando, Florida có thể liên hệ tới các giáo viên trong khu vực để được giúp đỡ về học tập cũng như nhiều vấn đề khác. Được biết, cô bé đã thuê một lập trình viên để xây dựng, thiết kế trang web và dùng hết số tiền tiết kiệm 2.200 USD của mình để thanh toán các khoản chi phí.

Những gì cô bé học được từ ông cũng là điều mà người làm công nghệ cần quan tâm.


Dưới đây là 8 bài học vàng được dành cho dân công nghệ mà Sarina đã rút ra từ cuộc trò chuyện với Steve Wozniak.

1. Việc trở thành một "con nghiện" công nghệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã khiến mọi người… e dè và tránh xa ông. Tuy nhiên, ông không lấy đó làm điều đáng bận tâm: "Tôi từng rất giỏi thể thao. Tôi còn làm chủ tịch của không ít câu lạc bộ trong trường".

2. Từ khi học lớp 8, Wozniak đã chế tạo thành công cỗ máy tính "nguyên thủy" đầu tiên. Chiếc máy này chạy một chương trình "giúp người dùng không bao giờ thua khi chơi cờ caro. Nó có tới 100 điện trở và 100 đi-ốt các loại. Lúc đó, thậm chí trong trường tôi còn chả có ai quan tâm và biết đến sự tồn tại của điện trở".

3. Wozniak sở hữu vốn kiến thức đáng nể về kỹ thuật nhờ học rất giỏi môn toán và thường xuyên phác thảo thiết kế máy móc trong giờ học. Tuy vậy, tất cả vẫn mãi chỉ là những hình vẽ trên giấy bởi lúc đó, cậu học trò Wozniak đương nhiên không đủ tiền để mua linh kiện về lắp ráp. Chính vì thế, Wozniak quyết định chỉ chế tạo phiên bản đơn giản nhất của máy tính: "Tôi biết mình sẽ chế tạo những loại máy móc mà mọi người chưa từng nghĩ tới. Tôi biết tôi làm được. Thế nhưng lúc đó, tôi chưa hề ý thức được rằng đó sẽ trở thành công việc của mình nhiều năm sau. Lúc đó, tôi vẫn chỉ là một cậu bé thích giết thời gian bằng việc… chế tạo máy móc".

4. Được biết đến là một "bộ óc thiên tài" trong toán học khi đạt 800 điểm trong bài thi SAT, ai cũng nghĩ ông sẽ vào học tại Viện Công nghệ Massachusetts. Tuy nhiên, sau khi ghé thăm trường Đại học Colorado và lần đầu tiên ngắm tuyết rơi ở đây, ông dường như đã ngay lập tức "bén duyên" và quyết định nhập học tại ngôi trường này. Thế nhưng chỉ sau 1 năm, gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn và rốt cục, Wozniak phải tạm dừng việc học tại đây. Ông đành theo học tại ngôi trường khác, bắt đầu nhen nhóm việc thành lập Apple và cuối cùng nhận bằng cử nhân Đại học California tại Berkley. Cho đến bây giờ, Wozniak vẫn luôn tỏ ra vô cùng tự hào về thành tựu lớn này.

5. Về người đồng nghiệp quá cố Steve Jobs, được biết, Wozniak gặp Jobs nhờ sự giới thiệu của một người bạn chung - Bill Fernandez - người sau này trở thành nhân viên đầu tiên của Apple. Wozniak tâm sự: "Lúc gặp nhau, Steve Jobs và tôi say sưa nói chuyện về những thủ thuật máy tính chúng tôi từng thực hiện và về máy móc nói chung. Tôi thì mạnh về thiết kế, còn cậu ta (Steve Jobs) lại chẳng biết gì cả. Tuy nhiên, quan trọng là cậu ta cũng biết và quan tâm đến nó. Chúng tôi trò chuyện về những dự định sắp tới, cùng nghĩ về một thế giới nơi người ta sẽ sống một cách hoàn toàn khác biệt so với cuộc sống lúc bấy giờ". Wozniak bồi hồi nhớ lại: "Lúc đó, cậu ta mới chỉ 16 tuổi. Tôi gợi ý cho cậu ta một vài bài nhạc của Bob Dylan và từ đó chúng tôi trở thành bạn thân. Chỉ 5 năm sau, Apple ra đời".

6. Wozniak còn đưa ra lời khuyên cho các học sinh: "Ngoài bài tập về nhà, các bạn hãy cứ chủ động tham gia nhiều hoạt động khác nếu thích. Đừng mong việc học sẽ giúp các bạn nhận được đầy đủ kiến thức cần thiết, ngay cả khi lên đại học cũng thế. Trường học chính là nơi khiến các bạn trở nên mờ nhạt với cách xử lý mọi việc giống hệt nhau".

7. Ngoài ra, ông còn dành tặng vài lời khuyên cho những cái đầu đam mê kỹ thuật: "Những thứ các bạn đang làm sẽ chẳng mang lại lợi lộc gì nếu không phải để bán. Và để có thể bán được sản phẩm, các bạn cần một công ty. Điều này vô cùng quan trọng, nên cho dù bạn không phải doanh nhân, hãy cố gắng tìm lấy một người".

8. Ông cũng bật mí vài mẹo nhỏ để có một sản phẩm công nghệ bán chạy: "Hãy làm ra những sản phẩm mà bản thân bạn cũng muốn sử dụng. Hãy khiến nó ngày một tốt hơn. Hãy tự tin rằng chính điều đó sẽ tạo ra một sản phẩm mà cả thế giới đều thèm khát, cho dù lúc đó chẳng ai tin bạn cả. Bởi ai cũng làm những thứ giống nhau, nên hãy xuất hiện với một sản phẩm hoàn toàn khác biệt với hiệu quả và giá thành vượt trội".

Stanford – dạy kinh nghiệm lập trình mở ra cho các bạn đam mê học công nghệ thông tin chuyên sâu về lập trình có cơ hội được đào tạo trong môi trường năng động, chuyên nghiệp, tiêu chuẩn chất lượng cao. Chi tiết xem tại stanford.com.vn

 Sưu tầm

Nhật Lệ ( Stanford - Nâng tầm tri thức )

Tags: stanford - học để làm việc, đào tạo lập trình, công nghệ