Tương lai Windows Phone gắn với… Android?

Cựu CEO Microsoft Steve Ballmer cho rằng điện thoại Windows Phone cần phải chạy ứng dụng Android. Có thể ông nghĩ đúng.

Tại cuộc họp cổ đông Microsoft, theo tường thuật của Bloomberg, cựu CEO Microsoft Steve Ballmer đã lên tiếng chỉ trích CEO đương nhiệm Staya Nadella và các nhà lãnh đạo khác. Ông cho rằng một trong những sai lầm của Microsoft là bỏ qua ứng dụng Android.

Ballmer cũng chỉ trích Nadella về câu trả lời cho câu hỏi của một người trong cuộc họp về việc Windows Phone thiếu những ứng dụng quan trọng, chẳng hạn như Starbucks.

Nadella đã trả lời bằng cách dẫn giải kế hoạch của công ty là thu hút các nhà phát triển Windows qua việc cho phép họ viết các ứng dụng universal chạy được mọi nơi, trên máy tính, điện thoại và máy tính bảng với lượng thiết bị nhiều hơn hẳn số thiết bị di động của Microsoft mà thị phần chỉ có một con số.

Điều Nadella nói ra có phần hợp lý. Theo số liệu thống kê của Gartner, quý 3 vừa qua, điện thoại Windows Phone chỉ còn có 1,7% thị phần thị trường smartphone toàn cầu. IDC mới công bố dự báo trong tuần này cũng đưa ra những con số quá xấu cho Microsoft, cụ thể Windows Phone sẽ chỉ còn 2,2% thị phần trong năm nay và tới năm 2019 cũng chẳng có gì thay đổi, với chỉ 2,3% thị phần thị trường smartphone toàn cầu.

Vậy, quan điểm của Ballmer có đúng không? Có thể. Nhưng, vấn đề là Microsoft làm cách nào để chuyển ứng dụng Android sang chạy được trên nền tảng Windows?

Không dễ gì chuyển ứng dụng từ nền tảng này sang nền tảng khác

Rõ ràng cửa hàng ứng dụng của Microsoft đang tụt hậu quá xa phía sau các đối thủ. Hãy xem danh sách ứng dụng di động miễn phí cho Windows Phone được tải về nhiều nhất: Facebook, Amazon, Netflix, Twitter… những cái tên quen thuộc này cũng được tải về nhiều nhất trên nền tảng đối thủ Android. Nhưng nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy một số ứng dụng, chẳng hạn như Instagram cho Windows Phone, vẫn còn là bản thử nghiệm beta, một số ứng dụng khác thì không thể so được chất lượng với ứng dụng chạy trên hai nền tảng phổ biến Android và iOS.


Với ứng dụng trả tiền tình hình còn tồi tệ hơn cho Microsoft. Chẳng hạn, Plants vs. Zombies, Terraria, và Need for Speed đều là những trò chơi quen thuộc với người dùng Android, nhưng vẫn chưa xuất hiện trên Windows Phone. Hai nền tảng Android và iOS với thị phần áp đảo đem đến cơ hội kiếm tiền hấp dẫn cho các nhà phát triển hơn hẳn so với Windows Phone chỉ có được miếng bánh thị phần nhỏ nhoi 1,7%.

Thị phần quá nhỏ khiến các nhà phát triển quay lưng với Windows Phone như là một lẽ đương nhiên và khi ứng dụng ít thì điện thoại Windows Phone khó có thể hấp dẫn người mua để mắt tới. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà Windows Phone đang mắc phải, và dường như không lối thoát.

Tuy nhiên, không rõ Ballmer ngụ ý gì khi ông lên tiếng chỉ trích Nadella. Phải chăng ông muốn ám chỉ rằng điện thoại Windows Phone (bao gồm cả Windows 10 Mobile) cần phải chạy được cả ứng dụng vốn được thiết kế cho Android, và sau đó được chuyển qua (port) chạy trên Windows? Trong trường hợp đó, có lẽ ông muốn đề cập đến dự án Project Astoria. Đây là giải pháp cầu nối của Microsoft nhằm giúp các nhà phát triển chuyển ứng dụng Android của họ sang Windows, hay nói cách khác công cụ của Microsoft sẽ cho phép Windows 10 Mobile chạy được cả ứng dụng Android. Nhưng, gần đây có thông tin dự án bị trễ hẹn, thậm chí có thể bị hủy bỏ.

Microsoft đã phát hành công cụ nguồn mở chuyển ứng dụng iOS sang Windows, gọi là Project Islandwood. Công cụ này đòi hỏi lập trình viên phải can thiệp một chút vào chương trình của mình rồi biên dịch lại ứng dụng.

Cầu nối Windows cho ứng dụng iOS này vẫn còn trong giai đoạn xem trước, Microsoft đang gọi là “0.1 Preview”, và không rõ bao giờ mới hoàn thiện.

Ngã rẽ Android?

Thời gian gần đây, Microsoft có nhiều động thái lôi kéo người dùng bằng cách phát hành phần mềm cho cả các nền tảng di động đối thủ. Hãy hình dung khi người dùng Android và iOS đã sử dụng Outlook, rất có thể họ cũng sẽ đăng ký thuê bao sử dụng Office 365 để tăng cường hơn nữa cho làm việc cộng tác. Đó là chiến lược tăng doanh thu từ dịch vụ của Microsoft.

Trở lại lời chỉ trích khó hiểu của Ballmer, có thể ông ngụ ý chạy giả lập ứng dụng Android trên Windows.  Cũng không loại trừ một ý tưởng khác, thoạt nghe có vẻ lạ lùng, đó là một chiếc điện thoại Android gắn nhãn Windows – có thể gọi là “điện thoại Windows Android”. Nó có thể chạy Cortana, Bing, Outlook, Skype, bộ ứng dụng Office và hầu hết các ứng dụng của Microsoft.

Nhưng vì Android là một hệ điều hành mở, rất có thể Microsoft sẽ phát triển một nhánh Andoid OS cho riêng mình, miễn là công ty tuân thủ giấy phép mã nguồn mở. Cửa hàng Play Store của Google và các dịch vụ liên quan yêu cầu các thỏa thuận và giấy phép riêng, nhưng Microsoft sẽ không dính vào đấy, như Fire OS của riêng Amazon cũng tránh những ràng buộc này. Mặt khác, Microsoft có thể sử dụng cửa hàng trực tuyến Microsoft Store của mình để cung cấp ứng dụng cho người dùng.

Tuy nhiên có một vấn đề là nhiều ứng dụng Android sử dụng Google Play services, nghĩa là Microsoft sẽ thiếu các ứng dụng này nếu các nhà phát triển không viết phiên bản riêng cho Microsoft. Để khắc phục, Microsoft sẽ phải cung cấp các API phụ trợ cho các dịch vụ của mình.

Nhưng điều đáng lưu ý là chúng ta đã chứng kiến sự thất bại của giải pháp theo phương cách này. Còn nhớ, đầu năm 2014, ngay gần kề thời điểm Microsoft thâu tóm mảng di động của Nokia, Nokia đã tung ra chiếc Nokia X chạy Android với giao diện cũng gồm dãy các ô tile kiểu Windows.  Stephen Elop, CEO Nokia lúc đó, về sau gia nhập Microsoft cùng thương vụ sáp nhập đình đám này, đã hứa hẹn Nokia X sẽ tiếp tục được phát triển. Kết cục, Nokia X chết yểu, còn Elop thì ra đi ngay trong hè 2014.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy Microsoft sẽ phát triển một phiên bản Android OS cho riêng mình hay một chiếc điện thoại Android, kiểu như BlackBerry đã tung ra chiếc BlackBerry Priv.

Với việc Microsoft đã ném hàng tỷ USD vào Windows Phone và phát triển thiết bị cho riêng mình mà kết quả chưa đến đâu, công ty có lẽ sẽ tốn kém không ít tiền nếu tiến hành phi vụ mới. Nhưng một khi Microsoft đã xác định đi theo chiến lược “cloud first, mobile first” – ưu tiên trên hết cho di động và đám mây, thì sở hữu một nền tảng di động nhiều triển vọng là điều cần thiết. Và điều gì ngăn cản họ nhìn sang hướng Android?

Nhật Lệ (Theo pcworld)

Tags: stanford - học để làm việc, đào tạo lập trình, công nghệ