7 sự thật bất ngờ về hệ điều hành Android

Bạn có biết, trước khi trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, Android từng được thiết kế cho máy ảnh số.

1. Android lúc đầu được thiết kế cho máy ảnh số

Như chúng ta đã biết, hệ điều hành Android chính thức về tay Google vào năm 2005, và sau đó được Andy Rubin giới thiệu như một nền tảng mở dành cho các thiết bị di động. Trước đó một năm, Andy đã từng có ý định phát triển Android cho máy ảnh kĩ thuật số.

Tuy vậy, ông đã suy nghĩ lại và nhận định tương lai của giới công nghệ sẽ là các sản phẩm smartphone. Từ đó, ý tưởng về hệ điều hành Android cho thiết bị di động ra đời, cùng với tuyên bố thành lập Liên minh thiết bị cầm tay mở: một hiệp hội gồm các công ty phần cứng, phần mềm, và viễn thông.


Android chính thức ra mắt vào năm 2007. Trong đó, chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android được bán vào tháng 10 năm 2008. Và cho tới thời gian gần đây, vẫn có một số hãng sản xuất sử dụng Android làm nền tảng phát triển máy ảnh, tiêu biểu là Samsung với chiếc Galaxy NX.

2. Android không chỉ có đồ ngọt

Ngay từ phiên bản Android 1.5 đầu tiên với tên mã Cupcake, Google đã liên tục sử dụng tên gọi những món đồ ngọt dành cho các phiên bản Android tiếp theo. Đặc biệt, sau khi công bố phiên bản đầu tiên vào năm 2008, Google cũng quyết định đặt tên mã các phiên bản Android theo sắp xếp của bảng chữ cái.

Thế nhưng, không phải lúc nào tên gọi của các bản cập nhật Android cũng xoay quanh đồ ngọt. Đơn cử như những mã tên đầu tiên của hệ điều hành Android cũng được đặt theo những chú robot như Astro Boy, Bender, và R2-D2.


Đặc biệt, bên cạnh các phiên bản Android đã được phát hành dưới hình thức thương mại, Google cũng từng bật mí về một bản cập nhật được lấy tên theo một loại Snack, hay bản cập nhật phần mềm cho HTC Dream được đặt tên Petit Four, một món tráng miệng truyền thống của người Pháp.

3. Android 3.0 là phiên bản duy nhất không dành cho smartphone

Được Google phát hành vào đầu 2011, phiên bản Android 3.0 Honeycomb được thiết kế riêng cho các thiết bị máy tính bảng. Trong đó, điểm nhấn của Honeycomb là tập trung vào các thiết bị màn hình lớn, điển hình là chiếc tablet Xoom của Motorola.

Tuy nhiên, trên thực tế, Honeycomb lại trở thành nỗi thất vọng của cả Google, cũng như các chuyên gia công nghệ hàng đầu. Rất nhanh sau đó, gã khổng lồ phần mềm Mỹ đã thay thế Android 3.0 Honeycomb bằng Android 4.0 Ice Cream Sandwich.

Với nền tảng Android 4.0, Google không chỉ cung cấp các giải pháp dành cho máy tính bảng, Ice Cream Sandwich đã được thêm tính năng hỗ trợ màn hình lớn hướng tới các phiên bản Android trong tương lai.

4. Hơn một tỉ thiết bị chạy Android đã được kích hoạt

Hiếm ai có thể đếm chính xác, có tất thảy bao nhiêu thiết bị chạy Android đã được kích hoạt, tính đến thời điểm hiện tại. Nhưng theo những báo cáo từ cách đây 2 năm, tân CEO của Google là ông Sundar Pichai đã tuyên bố, có hơn 1 tỉ thiết bị chạy hệ điều hành Android đang tồn tại ở thời điểm đó.

Còn nếu so sánh với thống kê dân số thế giới trong năm nay là 7,3 tỉ người, số lượng thiết bị chạy Android trong năm 2013 tương đương với gần 1/7 dân số thế giới.

5. Android là nền tảng có nhiều ứng dụng di động nhất

Android, iOS và Windows Phone luôn là những nền tảng đối thủ không đội trời chung, tuy nhiên, để xét về quy mô trợ ứng dụng trên hệ điều hành này, chợ ứng dụng của Google vẫn là số 1. Trong đó, lí do khiến Google Play hùng mạnh hơn cả, chính nhờ việc ra đời sớm, và số lượng các thiết bị chạy Android đông đảo.

Bất ngờ hơn, dù xuất hiện trước chợ ứng dụng App Store của Apple không bao lâu, nhưng Google Play mới chỉ vượt qua đối thủ từ Apple trong khoảng thời gian gần đây. Kể từ khi đổi tên thành Google Play vào năm 2012, kho ứng dụng cho Android đã có khoảng 1,5 triệu ứng dụng hiện hành.


6. Smartphone Android thời kì đầu quá khác so với hiện nay

Như chúng ta đã biết, G1 là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên chạy hệ điều hành Android do Google xây dựng, ra mắt vào tháng 9 năm 2008. Tuy nhiên, ít ai biết rằng hơn một năm trước đó, Google đã phát triển một nguyên mẫu có tên Sooner, với thiết kế hoàn toàn khác những gì chúng ta thấy trên G1.

Được biết, Sooner mang tên mã HTC EXCA 300, do HTC gia công, sử dụng vi xử lí OMAP850, RAM 64 MB, màn hình LCD độ phân giải 320 x 240 pixel, camera chính 1,3 MP, hỗ trợ quay phim, mạng 2G, hỗ trợ truy cập EDGE, thẻ nhớ miniSD và bàn phím QWERTY vật lí.

7. Ai đã thiết kế biểu tượng Android và tên nó là gì?

Cũng như phần nền tảng, biểu tượng của Android cũng đến từ mã nguồn mở. Đây là lí do tại sao, chúng ta có thể thiết kế lại, hoặc thêm phụ kiện, mặc áo cho biểu tượng này thỏa sức, mà không vấp phải bất kì phản ứng nào từ phía Google.

Theo đó, hình ảnh chú robot màu xanh lá đại diện cho nền tảng Android được thiết kế theo phong cách UniSex, lấy ý tưởng từ các biểu tượng nam giới và nữ giới, xuất hiện trên các biển treo ngoài nhà vệ sinh công cộng. Điều này giúp người dùng dễ dàng nhận diện biểu tượng này tốt hơn.

Trong đó, nhà thiết kế chính cho biểu tượng Android có tên là Irina Blok. Nhiệm vụ chính của Irina Blok và nhóm của mình đó là tổng hợp lại các bộ phim khoa học viễn tưởng, đồ chơi công nghệ thành một ý tưởng hoàn chỉnh. Một số người cho rằng, chú robot này có tên là Andy The Android, còn nhân viên Google lại bật mí, đây là chú robot Bugdroid.


Nếu bạn là một người yêu thích sự khám phá và muốn trở thành người phát triển ứng dụng trên di động như hệ điều hành Android thì trước tiên bạn cần có kiến thức cơ bản về hệ điều hành này và sau đó bạn có thể dễ dàng phát triển các ứng dụng của nó hoặc có thể tùy chỉnh theo cách của riêng bạn.

Đón đầu công nghệ với những kiến thức mới nhất, đó chính là hành trang vững chắc nhất để tiến vào tương lai của các bạn trẻ đam mê lập trình.

Các khóa học về lập trình trên thiết bị di động tại Stanford – dạy kinh nghiệm lập trình cung cấp cho học viên các kiến thức và kỹ năng thực hành lập trình chuyên sâu trên cả 3 môi trường di động phổ biến nhất hiện nay là IOS, Android và Windows Phone. Chi tiết xem tại stanford.com.vn

Nhật Lệ (Theo Genk)

Tags: học android, khóa lập trình android